Khiếu nại, báo lỗi: 039.432.5245

Hotline: 039.432.5245

Các bệnh bà bầu hay mắc phải khi mang thai phần 1

Thứ hai 18/05/2020 08:34
Các bệnh thường gặp khi mang thai là những bệnh mà bà bầu có nguy cơ cao sẽ mắc bệnh khi mang thai. Khi mang thai, sức đề kháng của cơ thể phụ nữ mang thai giảm hơn bình thường. Lúc này, hệ miễn dịch đang tập trung để bảo vệ thai nhi tốt nhất. Vì vậy, phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh hơn.

Các bệnh thường gặp khi mang thai không những ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi mà có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Để phòng tránh mắc các chứng bệnh khi mang thai và phải dùng đến các loại thuốc để trị bệnh đòi hỏi bạn phải biết cách phòng bệnh và chữa trị thật đúng cách.

Sau đây là 13 bệnh thường gặp khi mang thai phụ nữ mang thai cần biết

Bệnh thường gặp khi mang thai ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.

1. Thiếu máu

- Nguyên nhân

Thiếu máu có thể do bệnh lý về máu hoặc nhiễm giun móc nhưng đối với phụ nữ mang thai chủ yếu là do thiếu sắt. Đây là hệ quả của tình trạng cơ thể không được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết để tạo hemoglobin, một thành phần có bản chất là protein, đảm nhiệm chức năng chủ yếu của hồng cầu.

Phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản vốn dĩ là đối tượng có nguy cơ thiếu máu rất cao, khi mang thai, nhu cầu chất sắt còn tăng lên gấp nhiều lần nhằm cung cấp cho bào thai phát triển tốt nhất.Lúc này, tình trạng thiếu máu càng bị thúc đẩy nặng nề.

Chính vì thế, phụ nữ bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai kèm theo chế độ dinh dưỡng không khoa học, không được nghỉ ngơi hợp lý trong khi mang thai sẽ càng gây thiếu máu nhiều hơn.

- Triệu chứng:

Da tái xanh, yếu ớt và mệt mỏi, dễ nhiễm bệnh

Nhức đầu, xỉu. Bệnh nhân thiếu máu thường cảm thấy đau đầu.

Phần niêm mạc trong mi mắt dưới sẽ hồng nếu lượng hồng cầu bình thường và sẽ nhợt nhạt nếu thiếu máu.

Cảm thấy khó chịu, dễ bực tức.

Dễ trở nên khó thở, cảm giác như leo cầu thang cao hoặc đi bộ thật nhanh mà không được nghỉ để lấy hơi.

Một số phụ nữ thiếu máu nặng khi mang thai thích ăn những thứ không ăn được như đất sét, cát, phấn…là vì cơ thể họ quá thiếu sắt .

- Điều trị thiếu máu khi mang thai

Bổ sung chất sắt dạng viên hoặc dạng nước. Bác sĩ cũng thường kê Ferrous Sulphate cho các bà bầu có nguy cơ thiếu máu.

Bổ sung axit folic. Có thể phối hợp với bổ sung sắt.

Bổ sung vitamin B12 dạng viên hoặc bổ sung qua chế độ ăn. Nguồn dinh dưỡng nhiều B12 là các thực phẩm như trứng, thịt và sữa.

Bổ sung vitamin C cũng cần thiết cho quá trình hấp thu sắt. Thức ăn là nguồn cung cấp vitamin C lý tưởng. Tuy nhiên, vitamin C sẽ tan trong nước chứ không dự trữ lâu trong cơ thể. Nếu chọn phương pháp bổ sung vitamin C qua chế độ ăn, bạn nên đảm bảo ngày nào cũng có thực phẩm giàu vitamin C trong bữa ăn.

Tăng cường sắt qua chế độ ăn uống: nhất là thịt đỏ, rau xanh như bông cải xanh, cải đường, đậu…

Nếu bà bầu có nồng độ sắt quá thấp, có thể bổ sung sắt bằng cách tiêm hoặc đôi khi phải truyền máu.

Nồng độ sắt sẽ trở về bình thường trong vòng vài tuần sau khi điều trị. Nếu không bạn sẽ phải làm thêm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân khác gây thiếu máu. Ngay cả sau sinh, bạn vẫn nên bổ sung chất sắt vì lúc sinh mất máu khá nhiều. Bạn nên làm lại xét nghiệm máu vào thời điểm 6 tuần sau sinh.

Sắt dạng viên uống có thể gây bón, khó chịu dạ dày và thay đổi màu phân thành xanh lá đậm hoặc đen. Bạn nên dùng chất xơ và uống thêm nước để tránh tác dụng phụ này.

Bà bầu  cần bổ sung sắt để ngăn ngừa bệnh thiếu máu

Viên Sắt Cho Bà Bầu Blackmores Pregnancy Iron

2. Tiền sản giật

Hậu quả: Tiền sản giật là một căn bệnh nguy hiểm, chiếm tỉ lệ từ 6-8% số phụ nữ mang thai, phần lớn xảy ra ở phụ nữ có con so. Tiền sản giật có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, rối loạn đông máu khiến máu chảy không cầm được, có thể co giật trước, trong và sau khi sinh làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí chết trong tử cung. Tiền sản giật không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng nhau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong (10%).

Triệu chứng: Bệnh biểu hiện gồm 3 triệu chứng chính: tăng huyết áp, tăng protein niệu và phù.

Cao huyết áp: từ 140/90 (mm Hg) trở lên - thu được trong hai lần, cách nhau ít nhất sáu giờ nhưng không quá 7 ngày.

Trong nước tiểu xét nghiệm có protein tăng

Giảm tạm thời thị lực, mờ mắt hoặc nhạy cảm ánh sáng.

Đau bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải.

Buồn nôn hoặc ói mửa.

Chóng mặt, nhức đầu nặng

Giảm lượng nước tiểu.

Sưng (phù), đặc biệt là ở mặt và tay. Nhưng đây không được xem là một dấu hiệu đáng tin cậy của tiền sản giật bởi vì nó cũng xảy ra ở nhiều thai phụ bình thường.

Điều trị và các thực phẩm chức năng giảm thiểu nguy cơ:

Chế độ ăn: chế độ ăn góp phần rất quan trọng trong vấn đề này, cần cung cấp đầy đủ các chất như: Đạm, Omega 3, Vitamin,...các yếu tố vi lượng và tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe, hạn chế Tiền sản giật.

Bổ sung đầy đủ Omega 3 (DHA, EPA): khi Omega3 được cung cấp đầy đủ sẽ làm giảm sFlt-1 (tiêu VEGF- yếu tố tăng trưởng biểu mô mạch máu) do đó hạn chế triệu chứng của tiền sản giật. Các thực phẩm giàu Omega 3 như quả óc chó, bắp cải,...

Bổ sung đầy đủ Vitamin D: Cung cấp đủ Vitamin D từ thức ăn và thực phẩm chức năng giúp giảm 27% nguy cơ bị tiền sản giật. Các thực phẩm có chứa nhiều Vitamin D như các loại ngũ cốc nguyên hạt, nấm hương, ….

Bổ sung đầy đủ Canxi: Khi cơ thể được cung cấp đủ Canxi giúp làm giảm tới 49% nguy cơ thấp và tới 82% ở phụ nữ có nguy cơ cao mắc tiền sản giật. Các thực phẩm chứa nhiều Canxi như sữa, cải bông xanh, đậu bắp, măng tây…

Bà bầu cần bổ sung đầy đủ các vitamin và khoáng chất đề ngăn ngừa các bệnh tiến sản giật

Vitamin tổng hợp cho bà bầu Pregnacare Max 84 Viên

3. Tiểu đường thai kỳ

Nguyên nhân:

Nhiều nghiên cứu cho rằng khi mang thai sự bài tiết các hormon liên quan đến thai như Lactogen, Estrogen, Progesteron, Prolactin do nhau thai tiết ra gây kháng insulin gây tăng đường máu. Nồng độ các hormone tăng dần theo trọng lượng thai dẫn đến  tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện ở tuần 24 – 28 của thai kỳ.

Hậu quả:

Đường máu tăng trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây ra các dị tật cho thai, đường máu tăng trong các tháng tiếp theo có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của thai nhi, gây ra thai to tăng tỉ lệ tử vong khi sinh.

Triệu chứng:

\tương tự như lúc mang thai: mệt mỏi, đi tiểu nhiều lần… nên rất khó khăn trong việc chẩn đoán. Bạn cần kiểm tra nước tiểu mỗi khi đi khám thai. Nếu nghi ngờ mình bị đái tháo đường, hãy gửi mẩu nước tiểu để bác sĩ kiểm tra. Trong những trường hợp nguy cơ cao, bác sĩ sẽ cho kiểm tra đường huyết lúc đói và làm xét nghiệm dung nạp đường, nhất là vào thời điểm thai 24-30 tuần.

Điều trị và phương pháp giảm thiểu:

Chế độ ăn phù hợp: đủ chất đạm, chất béo, đường, vitamin, muối khoáng và nước với khối lượng hợp lí. Tăng cân vừa phải 8 đến 12 cân trong cả thai kỳ. Tránh ăn quá nhiều tăng cân quá mức.

Tập thể dục đều đặn các môn thể thao an toàn cho phụ nữ có thai ví dụ như bơi, đi bộ… mỗi ngày, nên đi bộ 20- 30 phút sau ăn các bữa mỗi ngày giúp kiểm soát đường máu

Kiểm soát đường huyết: đối với tiểu đường thai kỳ thì kiểm soát bằng chế độ ăn và luyện tập thể dục cũng là điều trị kiểm soát đường huyết. Nếu chế độ ăn và luyện tập không kiểm soát đường máu đạt mục tiêu thì chỉ nên kiểm soát đường huyết bằng insulin ngoại sinh.

4. Hen suyễn

Nguyên nhân:

Thời gian mang thai, cơ thể phụ nữ dễ bị dị ứng với môi trường xung quanh. Vì vậy mà những người mẹ có tiền sử hen suyễn sẽ dễ bị tái phát, nhất là vào tuần cuối của thai kỳ.

Triệu chứng:

  • Ho, đặc biệt là vào ban đêm
  • Thở khò khè: Đây là dạng tiếng rít hay âm thanh không bình thường phát ra khi thở. Và nó là một dấu hiệu điển hình của bệnh hen suyễn.
  • Khó thở: Nguyên nhân là do đường thở bị thu hẹp gây ra tình trạng khó thở cho người bệnh.
  • Đau thắt ngực: Bà mẹ cảm thấy như có vật gì đè nặng hoặc siết chặt ngực.
  • Thở nhanh và gấp: Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh hen suyễn. Triệu chứng này sẽ nặng hơn khi người bệnh vận động nhiều như leo cầu thang, chạy bộ, tập thể dục..
  • Mặt nhợt nhạt, ra nhiều mồ hôi: bà bầu sẽ có dấu hiệu mặt nhợt nhạt, ra mồ hôi, mệt mỏi khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy.

Điều trị và thực phẩm chức năng:

Các bà bầu có thể dùng thuốc trị hen suyễn dạng khí dung, giải pháp này gần như không ảnh hưởng gì đến thai nhi, chỉ có tác dụng đến phổi,sẽ  giúp phụ nữ mang thai cảm thấy dễ thở hơn. Nếu có tiền sử hen suyễn, trong thời gian này, phụ nữ mang thai nên mang theo ống hít để phòng ngừa bệnh.

Ngoài ra, các chị em nên bổ sung thêm những thực phẩm chức năng chứa nhiều vitamin E, có thể giúp em bé ngăn ngừa bệnh dị ứng từ môi trường xung quanh.

5. Trầm cảm

Nguyên nhân:

- Phụ nữ cũng phải chịu áp lực tài chính

- Phụ nữ ngày càng có nhiều áp lực cuộc sống

- Phụ nữ thành thật với cảm xúc của mình hơn

- Phụ nữ hiện đại có học thức cao hơn: Phụ nữ thời nay dễ bị trầm cảm khi mang thai có thể là do họ có niềm đam mê và kỳ vọng thành công quá lớn. Họ đã quen với việc nắm quyền kiểm soát cuộc sống, đặt mục tiêu cao và gặt hái thành công. Đối với những phụ nữ này, việc mang thai và nuôi con là một thử thách vì đây là một quá trình rất khó kiểm soát và cần nhiều sự kiên nhẫn.

- Phụ nữ mang thai thiếu sự hỗ trợ

Triệu chứng:

Suy nghĩ tiêu cực

Lo lắng quá mức

Thay đổi khẩu vị

Mất ngủ liên tục

Cảm giác buồn bã kéo dài

Hậu quả:

Thai nhi là suy dinh dưỡng, sanh non, chậm phát triển tâm thần. Vì vậy thai phụ cần được khám chuyên khoa để được theo dõi và điều trị.

Điều trị:
Điều trị trầm cảm ở thai phụ cần có sự phối hợp của thầy thuốc chuyên ngành sản khoa, nội khoa, tâm thần, các bác sĩ gia đình. Sản phụ sẽ được tư vấn về các nguy cơ ảnh hưởng của trầm cảm đến sức khỏe của cả mẹ và con, các biện pháp điều trị sẽ được áp dụng.

6. Cảm cúm

Nguyên nhân: Do sức đề kháng của thai phụ giảm nên dễ bị nhiễm siêu vi gây bệnh cảm cúm.Ngoài ra, nguyên nhân khách quan khiến bà bầu mắc cảm cúm có thể là do thời tiết thay đổi hay môi trường xung quanh.

Hậu quả: Cúm là một truyền nhiễm cấp tính, một số chủng virus cúm có khả năng khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh như: Sứt môi, sinh non, đục thuỷ tinh thể hoặc thai chết lưu.

Triệu chứng: Đau đầu, nghẹt mũi và chảy nước mũi, viêm họng, ớn lạnh, mệt mỏi nghiêm trọng kéo dài đến hai tuần, ho khan, bị sốt...

Các dấu hiệu cảm cúm khi mang thai thường đến rất nhanh, biểu hiện rõ ràng, có xu hướng nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn từ 1 đến 2 tuần. Nếu thai phụ nghi ngờ mình có dấu hiệu của bệnh cúm thì hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Điều trị: Phụ nữ mang thai nếu bị cảm cúm nên ăn nhiều tỏi, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh để nâng cao hệ miễn dịch. Đặc biệt không được uống thuốc cảm cúm bừa bãi mà không có sự chỉ định từ bác sĩ. Bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến dị tật bẩm sinh ở trẻ là do uống thuốc cảm cúm khi mang thai.

Các thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng cho bà bầu cần bổ sung: như vitamin C, vitamin A, sắt, lợi khuẩn...

7. Viêm âm đạo do nấm

Nguyên nhân: có thể do nấm candida, do lậu cầu khuẩn...

Triệu chứng: Âm đạo có nhiều huyết trắng, váng đục như sữa đông, cảm giác ngứa ngáy khó chịu, đau rát

Hậu quả: Nếu kéo dài tình trạng viêm nhiễm này sẽ khiến mẹ dễ sinh non và sảy khi mang thai.

Điều trị: nếu các mẹ bầu có các dấu hiệu trên thì nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt. Thông thường thuốc điều trị viêm nhiễm phụ khoa là thuốc bôi tại chỗ hoặc viên đặt phụ khoa . Việc sử dụng thuốc thời điểm này khá nhạy cảm vì vậy mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc mà phải theo sự chỉ định của bác sĩ. Đôi khi một số loại thuốc chỉ làm tình trạng bệnh hết tạm thời và tái đi tái lại nhiều lần, nguy hiểm hơn sẽ tác động xấu đến cả mẹ và thai nhi. Viêm nhiễm phụ khoa là bệnh rất thường gặp khi mang thai nhưng các bà bầu cũng không nên quá lo lắng.

8. Mụn rộp do virus Herpes simplex

Nguyên nhân:Hai loại virus herpes simplex gây ra mụn rộp sinh dục: HSV-1 (thường gây bệnh lở môi) và HSV-2 (thường gây ra mụn rộp sinh dục). Virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương trên da gây ngứa, sau đó xuất xuất hiện các vết phỏng loét hoặc mụn rộp thường gặp ở vùng mặt và miệng.

Hậu quả: Trong 3 tháng đầu mang thai người mẹ bị mắc bệnh này thì rất dễ bị sảy thai. Nếu không ngăn chặn sớm trước thai kỳ, virút sẽ lây qua bé ngay khi chưa chào đời. Một số trường hợp, thai có thể chết non hoặc não, thần kinh, mắt và da của trẻ bị ảnh hưởng.

Triệu chứng: cảm thấy ngứa, rát khó chịu, mụn nước xung quanh hoặc gần âm đạo, hậu môn và mông...

Phòng và điều trị: phụ nữ mang thai cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, không nên đến các khu vực đông người để hạn chế bị lây bệnh. Ngay khi xuất hiện các biểu hiện của bệnh như kể trên nên tới gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển nặng.

9. Viêm cầu thận

Nguyên nhân: Chủ yếu do vi khuẩn trong đó nguyên nhân chính là do trực khuẩn gram (-) như Secheria Coli, trực khuẩn mủ xanh . Cũng có trường hợp do nhiễm tụ cầu vàng gây bệnh .

Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn theo đường ngược dòng: các vi khuẩn này thường từ bộ phận sinh dục ngoài theo niệu đạo lên bàng quang, niệu quản đến xâm nhập vào thận.

Biểu hiện là: chân bị phù, giảm chức năng thận, huyết áp tăng cao, tiểu ra máu… Các xét nghiệm có chỉ số như albumin niệu, creatinin và ure trong máu đều cao.

Hậu quả: Khi mang thai nếu thai phụ bị viêm cầu thận ở thể nặng có thể làm cho nhau thai và cuống nhau bị teo nhỏ, sẽ gây thai suy dinh dưỡng, sẩy thai, thai chết lưu. Tuy nhiên nếu bị viêm cầu nhẹ, thai phụ vẫn có thể mang thai bình thường nhưng cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để tránh bệnh tiến triển nặng gây những biến chứng không tốt đến sức khoẻ của bà mẹ và thai nhi.

Điều trị: khi có dấu hiệu nên đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

10. Viêm gan siêu vi B

Nếu người mẹ bị viêm gan B ở thời kỳ đầu của thai kỳ ( tức 3 tháng đầu) thì có tỷ lệ mẹ truyền mầm bệnh cho con chỉ chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 1%) và nếu người mẹ bị mắc bệnh vào 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ người mẹ truyền mầm bệnh cho con lên tới 10%, nghiêm trọng hơn nếu người mẹ bị mắc bệnh vào giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ thì tỷ lệ người mẹ truyền mầm bệnh cho con lên tới từ 60-70%. Như vậy, tỷ lệ người mẹ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B truyền sang cho thai nhi từ giai đoạn tháng thứ 3 trở đi là rất cao.

Khi người phụ nữ mang thai thì sức đề kháng sẽ giảm đi khi bị nhiễm virus viêm gan B sẽ dẫn đến bệnh nặng hơn và tử vong cao hơn do suy gan cấp hoặc tối cấp và nếu hồi phục thì cũng dễ diễn tiến mạn tính hơn người thường.

Do đó, cách bảo vệ tốt nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sớm đi tiêm vaccine phòng viêm gan B để bảo vệ cho sức khoẻ bà mẹ cũng như có một thai kỳ khoẻ mạnh.

Tuy nhiên, nếu không may bị nhiễm viêm gan siêu vi B thì khi có thai, tuỳ vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể để bảo vệ em bé trong suốt quá trình thai kỳ và các biện pháp tiêm phòng ngay khi em bé mới được sinh ra.

11. Táo bón

Nguyên nhân:

- Khi nồng độ hormone progesteron trong máu tăng lên sẽ làm giảm nhu động ruột, thai phát triển gây chèn ép đại tràng khiến phân chậm di chuyển

- Tử cung phát triển, chèn ép một số dây thần kinh, tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch dưới. Mặt khác, thai nhi cũng càng ngày càng lớn chiếm chỗ trong ổ bụng, chèn ép thu hẹp không gian của đường tiêu hóa, cũng làm thức ăn di chuyển chậm hơn.

- Thai phụ bị mất nước do nôn nghén trong ba tháng đầu, gây chứng táo bón

- Bà bầu rất dễ lười vận động, đặc biệt là khi gần vào cuối thai kỳ vì bụng đã nặng và chân sưng đau. Điều này cũng dẫn đến táo bón ở bà bầu.

- Rất nhiều bà bầu cần bổ sung canxi và sắt cho sự phát triển xương của thai nhi. Tuy nhiên, việc nạp quá nhiều 2 yếu tố vi lượng này này cũng sẽ gây táo bón.

Hậu quả: táo bón khi mang thai, bà bầu đi vệ sinh phải dùng lực nên dễ sẩy thai. Hơn nữa, các chất độc (như phenol, amoniac, indol…trong chất thải) bị tích tụ lâu trong ruột. Sau đó nó bị hấp thu vào máu và lan truyền khắp cơ thể, dẫn tới tình trạng nhiễm độc mãn tính, ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của thai nhi.

Biểu hiện: khó chịu bụng, có khi đau bụng...

Phương pháp phòng tránh táo bón ở mẹ bầu:

Uống nhiều nước hơn. Mỗi ngày uống đủ lượng 2,5 - 3 lít để dễ đi ngoài hơn

Bổ sung probiotic và prebiotic để tăng sức đề kháng với vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ quá trình lên men tại ruột già

Ngưng sử dụng thuốc, đồ ăn nhuận tràng, dầu khoáng

Ăn nhiều trái cây, rau xanh

Thay đổi tư thế ngồi khi đi ngoài: Nghiêng người về phía trước và chống khuỷu tay trên đầu gối

Vận động nhẹ nhàng như đi bơi,đi bộ, yoga trong thời gian có thai

Tập cho mình thói quen đi vệ sinh đúng giờ để không bị rối loạn tiêu hóa, gây táo bón

Giảm căng thẳng, bởi tâm trạng căng thẳng có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyên các mẹ bầu cần tránh một số loại thực phẩm có hàm lượng canxi như phomai, ngũ cốc, nước ép,... và thực phẩm có hạt trong thời gian bị táo bón.

12. Chảy máu nướu răng

Nguyên nhân: Mang thai khiến sức đề kháng của bạn giảm sút, lúc đó nướu răng sẽ mềm và rất dễ bị tổn thương.

Triệu chứng: thường là sưng đỏ do cao răng tích tụ ở chân răng gây đau nhức, biểu hiện qua những chứng bệnh về răng miệng như viêm nha chu, chảy máu chân răng…

Phòng ngừa: các bà bầu nên dùng chỉ nha khoa và đánh răng kỹ sau khi ăn. Nên đến nha sĩ để được tư vấn, bổ sung một số dưỡng chất cần thiết có lợi cho răng : như canxi, ăn đủ dinh dưỡng ... Điều lưu ý đặc biệt là bạn không được chụp X quang hay gây mê lúc này.

13. Chứng khó thở

Nguyên nhân:

Khi mang thai sự gia tăng hormon, nhất là progesterone,sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phổi và kích thích trung tâm hô hấp ở não của bà bầu. Khi đó, bà bầu cảm thấy hơi thở gấp gáp và khó khăn hơn.

Khi mang thai, thai nhi phát triển, tử cung sẽ lớn dần lên để thích nghi. Nhưng mà, khi tử cung lớn dần sẽ chèn ép, khiến hoạt động của cơ hoành bị hạn chế, làm bà bầu cảm thấy khó thở.

Ngoài ra ,chứng khó thở còn có thể do tình trạng thiếu máu thường xảy ra với bà bầu trong quá trình mang thai.

Triệu chứng: mệt mỏi, khó chịu,...

Cách khắc phục :

Trong khoảng thời gian mang bầu đặc biệt là giai đoạn cuối, các mẹ bầu nên dành thời gian nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.

Nếu đang ngồi, bạn nên ngồi thẳng lưng, vai đẩy ra phía sau. Khi ngủ, bà bầu nên chèn thêm gối ở phía trên để giảm bớt áp lực của tử cung lên cơ hoành.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên chăm chỉ tập thể dục khi mang thai, để điều hòa và kiểm soát nhịp thở của mình tốt hơn. Yoga, và đi bộ là những bài tập nhẹ nhàng, giúp mẹ cung cấp oxy cho phổi nhiều hơn.