Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu hụt về protein - năng lượng và các vi chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh huởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của cơ thể. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em thường phổ biến ở khoảng thời gian từ 6 - 24 tháng tuổi bởi đây là giai đoạn trẻ đang có nhu cầu dinh dưỡng cao, đang tập thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với bệnh tật.
Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng thì thường có biểu hiện chậm phát triển, hạn chế khả năng hoạt động thể lực. Nếu quá trình thiếu hụt chất dinh dưỡng kéo dài, trẻ sẽ gặp phải nhiều vấn đề nặng hơn như chậm phát triển trí thông minh, sức đề kháng yếu, khả năng giao tiếp kém hay thường mắc những bệnh lý nguy hiểm trong tương lai.
Suy dinh dưỡng là một vấn đề sức khỏe phổ biến và tình trạng này xảy ra khi chế độ ăn uống không chứa đủ chất dinh dưỡng hoặc khi cơ thể gặp vấn đề về hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Với các trẻ em thì việc đáp ứng nhu cầu ăn uống của bé để giúp bé đầy đủ chất là rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn. Vậy nên sẽ có rất nhiều lý do khác nhau dẫn đến tình trậng suy dinh dưỡng ở trẻ. Ví dụ như bữa ăn nghèo nàn thiếu chất dinh dưỡng cần thiết; khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém do các bệnh lý ở đường tiêu hóa ở trẻ; hay trong sinh hoạt thường ngày, trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, ăn dặm sớm (trước 4 tháng tuổi); cũng có thể là do thức ăn không hợp khẩu vị hợp hoặc trẻ không được ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau; do trẻ thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng (tiêu chảy, viêm phổi, giun sán…) phải sử dụng thuốc có hiệu quả diệt vi trùng gây bệnh, cùng lúc sẽ diệt bớt các vi khuẩn có lợi cho cơ thể tại đường ruột, làm giảm quá trình lên men thức ăn dẫn đến việc kém hấp thu và biếng ăn.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng cũng một phần là do gặp phải vấn đề tâm lý khi gia đình có những hành động ép buộc quá mức để cho trẻ ăn, khiến trẻ dễ nảy sinh tâm lý sợ hãi, lâu ngày sẽ gây ra bệnh chán ăn dẫn đến suy dinh dưỡng.
Như vậy, khi nói đến nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi thì đa phần sẽ là do về nhu cầu ăn uống. Vậy nên, các mẹ phải luôn chú trọng về nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ nhé.
Các mẹ hãy luôn theo dõi trạng thái cơ thể của bé để phát hiện kịp thời. Ví dụ như bé có biểu hiện tăng cân chậm hoặc không tăng cân trong nhiều tháng liền; hay ốm vặt, mắc các bệnh về đường hô hấp nhiều lần khi tiết trời thay đổi; bé ngủ không ngon giấc, hay giật mình, quấy khóc; bé không đạt chuẩn chiều cao trung bình, thấp hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa; hay bé gặp vấn đề về tiêu hóa, thường xuyên đi ngoài và đi nhiều lần... thì đó chính những biểu hiện của tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ.
Lúc này các mẹ cần phải cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ một cách nhanh chóng và thật tốt bởi trẻ suy dinh dưỡng sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng nhiều hơn bao giờ hết. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.
Ngoài ra suy dinh dưỡng còn khiến cho trẻ chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ. Nếu bị nhiễm trùng đường tiêu hóa đồng thời với suy dinh dưỡng, cơ thể trẻ sẽ không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Từ đó gây chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ.
Và đặc biệt, suy dinh dưỡng còn làm xuất hiện các vấn đề về sức khỏe như thiếu các vi chất khiến sức khỏe của trẻ ngày càng tồi tệ hơn. Ví dụ, thiếu vitamin A gây ảnh hưởng xấu đến thị giác của trẻ; trong khi đó, thiếu protein và kẽm còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xương...
Như vậy, hậu quả của suy dinh dưỡng để lại cho trẻ là vô cùng lớn nên các mẹ hãy luôn chú ý bổ sung cho trẻ giúp trẻ tránh được tình trạng này.
Và để đẩy lùi tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, thì các mẹ nên áp dụng các biện pháp ngăn ngừa suy dinh dưỡng hiệu quả có thể áp dụng như cho trẻ bú mẹ ngay sau sinh và kéo dài từ 18 – 24 tháng, nếu mẹ không đủ sữa cần có nguồn sữa phù hợp để thay thế cho trẻ. Các mẹ cần thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ tăng cân khỏe mạnh, như cho trẻ ăn dặm khi được 6 tháng tuổi, ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chính như bột, đường, đạm béo, vitamin và khoáng chất. Đối với trẻ dưới 2 tuổi thì ngay ở tháng thứ 7, cùng với sữa mẹ, cần cho trẻ ăn thêm (thức ăn bổ sung), số bữa ăn hàng ngày tùy theo tháng tuổi: 6 tháng tuổi ăn 1 bữa bột loãng, 7-9 tháng ăn 2-3 bữa bột đặc, 10-12 tháng ăn 3-4 bữa bột đặc. Trẻ từ 1-2 tuổi ngoài bú mẹ cần ăn thêm 4 bữa/ngày. Mỗi ngày uống 400-500ml sữa (nếu không có sữa mẹ).
Vận động cơ thể cũng giúp tiêu hao năng lượng hiệu quả và hỗ trợ cho trẻ tăng trưởng khỏe mạnh. Bởi vậy, các mẹ nên khuyến khích bé vận động để tăng cảm giác thèm ăn, giúp trẻ khỏe mạnh.
Ngoài ra, biếng ăn là một trường hợp gặp hầu hết ở các trẻ, và thay vì ép bé ăn, các mẹ hãy nên tạo bầu không khí vui vẻ và luôn sáng tạo các món ăn mỗi ngày để kích thích bé ăn tự nhiên. Các mẹ có thể cho bé ăn nhiều bữa trong ngày, những ngày đầu cứ 2 tiếng cho ăn 1 lần.
Ngoài ra, các bố mẹ cũng cần phải lưu ý, khi cho trẻ ăn thì không nên tạo cho bé thói quen xem tivi, xem điện thoại, làm cho bé mất tập trung khi ăn. Và bố mẹ nên giới hạn mỗi bữa ăn không quá 30 phút, không cho bé ăn, uống đồ ngọt giữa các bữa ăn (chỉ nên cho bé uống nước). Và khuyến khích bé tự xúc, tự gắp, tự bốc thức ăn, dù bé có làm đổ cơm, vỡ bát. Như vậy thì các phụ huynh sẽ tự tập cho bé cách ăn uống khoa học nhất.
Suy dinh dưỡng là bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng sự phát triển của bé nhất là trong những năm đầu đời. Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn có thể phòng ngừa hay khắc phục cho bé bằng chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp. Và qua bài chia sẻ trên chắc các mẹ cũng đã biết rõ về suy dinh dưỡng ở bé và các biện pháp đề phòng tránh suy dinh dưỡng thấp còi cho bé. Boby.vn xin chúc các bé xinh của mẹ luôn vui khỏe và phát triển toàn diện nhé!