Khiếu nại, báo lỗi: 039.432.5245

Hotline: 039.432.5245

💊Vitamin B9 là gì?

Chủ nhật 17/05/2020 23:31
Vitamin B9 hay còn được gọi là folate (có dạng tổng hợp là acid folic), là một vitamin tan trong nước, rất cần thiết cho cơ thể chúng ta. Acid folic được sử dụng như một loại thuốc tạo máu, giúp điều trị chứng thiếu máu và thiếu acid folic.

1. Vitamin B9 là gì ?

Vitamin B9 là 1 trong 13 vitamin cần được cung cấp hằng ngày. Vitamin B9 hay còn được gọi là folate (có dạng tổng hợp là acid folic), là một vitamin tan trong nước, rất cần thiết cho cơ thể chúng ta, góp phần tạo hồng cầu bình thường, nó tham gia vào quá trình sao chép, tạo AND, hỗ trợ phân chia tế bào và tạo tế bào mới. Nó cũng giúp cơ thể sử dụng vitamin B12 và một số acid amin tốt hơn.

2. Nhu cầu

Nhu cầu axít folic hằng ngày (µg) như sau:

Nam giới: Trên 19 tuổi: 400 µg

Nữ giới: Trên 19 tuổi: 400 µg

Phụ nữ mang thai: 600 µg

Cho con bú: 500 µg

Chú ý: 1 µg thức ăn chứa axít folic = 0,6 µg axít folic trong thuốc bổ trợ

3. Nguồn thực phẩm cung cấp

Có 2 nguồn có thể cung cấp acid folic( vitamin b9) cho cơ thể đó là:

Từ thực phẩm bổ sung và thực phẩm tăng cường, bánh mì, bột, ngũ cốc hay các thuốc có chứa thành phần vitamin b9

Từ các loại thực phẩm tự nhiên bao gồm:

  • Bông cải xanh, súp lơ, bắp cải: Bông cảnh xanh, bắp cải, súp lơ là nhóm thực phẩm giàu axit folic hàng đầu. 1/2 bát súp lơ, bắp cải có thể cung cấp 51mg acid folic.
  • Bí đao: Một bát bí đao có thể cung cấp tới 15% nhu cầu acid folic cho cơ thể mỗi ngày. Đặc biệt, họ bí đao sẽ giàu dinh dưỡng nhất vào mùa đông. Hãy chuẩn bị cho cả nhà một nồi canh bí đao vào mùa đông để cung cấp đủ axit folic cho cơ thể nhé!
  • Nấm: Các loại nấm được xem là nguồn dưỡng chất rất giàu acid folic. Nấm có thể chế biến đa dạng các món như: súp, sa-lát, xào nấm, hầm thịt hoặc làm món khai vị.
  • Ớt chuông: Đây là thực phẩm giàu folate và acid folic. Một bát nhỏ 92g ớt chuông thô cung cấp cho cơ thể 10,5% nhu cầu acid folic cần thiết mỗi ngày.
  • Đậu và các loại cây họ đậu: Đậu rất giàu acid folic và là nguồn cung cấp chất đạm và khoáng chất bổ ích cho cơ thể. Trung bình, một bát hoặc 30g đậu đóng hộp cung cấp 8% nhu cầu acid folic cho cơ thể mỗi ngày. 1/2 bát đậu luộc cung cấp khoảng 12% nhu cầu acid folic cho cơ thể mỗi ngày.
  • Hoa quả và nước ép trái cây: Rất nhiều nhóm rau xanh, trái cây có lợi cho sức khỏe con người, trong đó có nguồn dưỡng chất acid folic như chuối, dưa hấu, chanh, cam, bưởi, nhóm quả mọng, cà chua.
  • Rau diếp, xà lách: Theo nghiên cứu thì một suất ăn rau diếp, xà lách (khoảng 80g) cung cấp cho cơ thể 16% nhu cầu acid folic mỗi ngày.

4. Lợi ích của vitamin b9 khi dùng đúng cách đúng liều:

  • Hỗ trợ thai kì khỏe mạnh

Vitamin B9 tham gia vào quá trình tổng hợp DNA và phân chia tế bào. Trong thời kì mang thai, nhu cầu vitamin b9 tăng lên để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Bác sĩ khuyến cáo nên bắt đầu bổ sung hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin b9 trước khi mang thai để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh và các biến chứng khi mang thai.

  • Giảm nguy cơ ung thư

Vitamin b9 có thể hỗ trợ phòng ngừa một số loại ung thư như: ung thư tuyến tụy và ung thư vú, ung thư đại trực tràng, thực quản và buồng trứng...

  • Cải thiện chức năng nhận thức

Hàm lượng vitamin b9 cùng với các vitamin nhóm B khác như vitamin B12 thấp, có liên quan đến sự suy giảm nhận thức và mất trí nhớ.

Vitamin B9 hay còn gọi là acid folic

Vì vậy, bổ sung vitamin b9 làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và có thể cải thiện hiệu quả chức năng nhận thức ở người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức nhẹ.

  • Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Các nghiên cứu chỉ ra rằng axit folic có lợi cho sức khỏe tim mạch và có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Hàm lượng Vitamin B9 cao có thể giảm lượng homocystein - một loại axit amin có thể góp phần hình thành cục máu đông làm cho các động mạch bị thu hẹp và cứng lại. Do đó tăng lượng vitamin b9 có thể giúp giảm mức homocysteine ​​để ngăn ngừa bệnh tim.

  • Giúp xương chắc khỏe

Lượng homocysteine ​​cao là một yếu tố nguy cơ gãy xương do loãng xương ở người lớn tuổi. Acid folic có thể làm giảm mức homocysteine ​​và tác động đến tỷ lệ trao đổi chất của xương để thúc đẩy xương phát triển tốt hơn

5. Thiếu Vitamin B9

Acid folic có tác dụng ngăn ngừa quái thai, gia tăng sự tạo sữa, ngăn ngừa ký sinh trùng đường ruột và ngộ độc thực phẩm, giúp da tươi mịn, khoẻ đẹp, chống mệt mỏi, ngăn ngừa bệnh thiếu máu.

Chính vì vậy, khi cơ thể thiếu acid folic lâu ngày sẽ có nguy cơ thiếu máu, rối loạn đường tiêu hóa, niêm mạc; dễ bị viêm loét dạ dày - tá tràng, có nguy cơ mắc các bệnh ung thư (đã đề cập ở trên). Bên cạnh đó, khi thiếu acid folic thì nồng độ homocystein trong máu sẽ tăng cao, dễ dẫn đến bệnh Alzheimer. Thiếu acid folic cũng dễ gây xơ vữa động mạch và bệnh tim. Đặc biệt ở phụ nữ có thai khi thiếu vitamin b9 sẽ làm ảnh hưởng tới thai nhi, bé có thể bi dị tật, quái thai...

6. Triệu chứng thiếu vitamin b9

Một số biểu hiện thiếu vitamin b9 mà chúng ta cần quan tâm như:

  • Mệt mỏi
  • Khó tập trung
  • Đau đầu
  • Khó thở
  • Cáu gắt
  • Tim đập nhanh
  • Vết loét trên lưỡi và bên trong miệng
  • Thay đổi màu da, tóc hoặc móng tay

Chú ý: Khi có các biểu hiện trên chúng ta nên lưu ý và đi kiểm tra sức khỏe để xác định chính xác có phải do thiếu vitamin b9 hay không, nếu đúng thì bổ sung kịp thời.

7. Đối tượng không được sử dụng acid folic

Acid folic được sử dụng như một loại thuốc tạo máu, giúp điều trị chứng thiếu máu và thiếu acid folic. Tuy nhiên, chúng không được sử dụng ở một số trường hợp sau:

Người bị thiếu máu tán huyết hoặc đa hồng cầu

Người mẫn cảm với Acid folic

8. Tác dụng phụ khi dùng thừa vitamin b9

Không có tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến việc uống quá nhiều Vitamin B9. Trong những trường hợp rất hiếm, một số người có thể bị

- Ngứa

- Nổi mày đay

- Rối loạn tiêu hóa

- Đau dạ dày

Nếu dùng nhiều vitamim b9 hơn mức cần thiết, không cần quá lo lắng. Bởi lẽ, vitamin b9 hòa tan trong nước, do đó, lượng dư thừa sẽ được đào thải một cách tự nhiên thông qua nước tiểu. Nhưng cũng cần phải chú ý:

Người bệnh nên dùng Acid folic theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng quá liều hoặc lâu hơn thời gian quy định. Về cách sử dụng, bệnh nhân nên uống thuốc với nhiều nước.

Thông thường, bác sĩ sẽ thay đổi liều lượng Acid folic phù hợp với tình trạng sức khỏe và bệnh tình của mỗi người, giúp tăng công dụng trị liệu.

9. Khi sử dụng axit folic cần lưu ý điều gì?

Dùng đúng liều lượng sử dụng theo lời khuyên của bác sĩ và uống với nhiều nước.

Nên uống axit folic với nước lọc, không nên uống bằng nước trà.

Không nên uống axit folic cùng với thuốc điều trị bệnh dạ dày vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc và gây tác dụng phụ

Axit folic quá quan trọng để bạn có thể lờ đi trong bữa ăn của mình. Do đó, đừng để cơ thể có những dấu hiệu thiếu axit folic mới bổ sung. Tốt hơn hết, bạn nên bổ sung axit folic từ nguồn thực phẩm tươi sống hơn là những chế phẩm chiết xuất vì an toàn và không có tác dụng phụ.